Đi đào than đổi chữ mang về cho con
Để những đứa con vững chân bước vào giảng đường đại học, vợ chồng “phu” than Phạm Đệ (xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt… dọc những vỉa than.
Trời đã về chiều, nơi quả đồi hoang vu một thời được mệnh danh là đồi “thổ phỉ”, chỉ có mỗi vợ chồng ông là còn chống lò làm việc. Họ cặm cụi đào, xúc… hì hục mãi cho đến khi giọng con chim cà lơi thoảng buồn thả từng hồi dài khuất sau đỉnh đồi. Khi ấy vợ chồng ông Đệ mới chịu rời miệng hầm lần xuống núi về nhà.
Câu chuyện đời cha
Hơn mười năm khoét núi làm than, ông Đệ quen thuộc từng sớ than trong dãy núi này như lòng bàn tay. Và mười năm qua, dẫu những vụ sập hầm hay chết người vì khí ngạt thi thoảng vẫn xảy ra trên đỉnh đồi Ngọc Kinh này, nhưng xem ra điều đó không làm vợ chồng ông chùn bước. “Bởi đây là con đường duy nhất giúp các con tui kiếm chữ. Nếu không có những vỉa than đen này thì giấc mơ đến với giảng đường của chúng cũng chìm tan như tui trước đó mà thôi”.
Nhà ông Đệ nằm bên phà Hà Nha của con sông Vu Gia. Là con út trong gia đình chín người con, ông Đệ là một trong những thanh niên học giỏi có tiếng của làng Thuận Mỹ (Đại Phong) lúc bấy giờ. Những tưởng chiến tranh đã lùi xa, nào ngờ hậu quả của nó lại ập đến khiến cả gia đình ông tan nát. Năm 1976, trong lúc làm vườn cha ông Đệ bị vướng mìn đứt lìa hai chân thành tàn phế. Ba tháng sau, một quả mìn khác lại phát nổ ngay trong khuôn viên vườn nhà khiến mẹ ông mù cả hai mắt. Ít lâu sau nữa anh trai của ông cũng chết tức tưởi vì lý do tương tự…
“Cuộc sống gia đình xem như bế tắc. Khi ấy anh chị trong nhà, kể cả tui đều phải nghỉ học để tính kế mưu sinh” – ông Đệ kể. Nhưng bỏ học đâu chừng được ba năm thì ông Đệ quyết định trở lại trường xin được học tiếp. Và con chữ đã không phụ người, năm 1986 ông là một trong số rất ít thanh niên ở huyện Đại Lộc lúc bấy giờ đậu vào Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng. Nhập học khoảng một tháng thì ông đành xin về quê vì cuộc sống quá khó khăn. Giấc mơ làm thầy giáo của ông vĩnh viễn lùi xa…
Hai năm vượt núi tìm trầm, ba năm vác bồn (chảo) lội khắp các bãi vàng từ Hiệp Đức đến Phước Sơn…, tài sản cuối cùng mà ông mang về là căn bệnh sốt rét kinh niên cùng nợ nần chồng chất. Bà Hứa Thị Phúc – vợ ông, ngày ngày bán hàng rong bên bến phà Hà Nha chỉ mong kiếm đủ gạo nuôi ba con nhỏ. Thế rồi cây cầu mới bắc qua sông Vu Gia cũng hoàn thành, bến phà Hà Nha không còn là đất sống của những người bán hàng rong như bà Phúc. Cuối năm 1990, vợ chồng ông chính thức gia nhập đoàn “phu” than lem luốc trên đồi “thổ phỉ”.
Than đen đổi chữ vàng
Trong ba đứa con của vợ chồng ông, Phạm Thị Thúy Kiều là con đầu nên rất hiểu hoàn cảnh gia đình. Nhiều khi cô bé muốn bỏ học hẳn lên núi làm than phụ giúp gia đình. Nhưng mỗi lần Kiều nói đến chuyện ấy là ông Đệ trừng mắt: “Ba vì nghèo khổ mới chấp nhận bỏ học để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Bây giờ không lẽ các con lại giẫm tiếp lên dấu chân năm cũ của ba sao?”.
Ông bảo: “Có lần tui bực quá hét thẳng vào mặt con Kiều rằng không chịu học thì mày chết với tao”. Nghe vậy cô bé ấm ức khóc nói lại: “Nhưng mà tụi con học được thì ba mẹ cũng chết vì tụi con”. Nghe vậy hai vợ chồng ông ngồi thừ ra. “Tui nghe con Kiều nói sao mà chí lý quá. Đúng là bọn hắn mà học hết chữ thì vợ chồng tui chết thiệt, lấy gì nuôi chúng ăn học…” – ông kể.
Bà Phúc nhớ lại: ngày Kiều nhận được giấy báo nhập học vào Trường cao đẳng Y tế Tam Kỳ, cả nhà ai cũng mừng ra mặt, duy chỉ ông Đệ là kéo ghế ngồi một góc hút thuốc. “Tui cũng từng xuống dưới hầm than sâu 30m nhưng chưa khi nào thấy không khí lại ngột ngạt như ngày hôm ấy”. Cuối cùng ông quyết định lên gặp ông Thành, chủ hầm than, vay nóng 2 triệu đồng cho con lo việc nhập học.
Gánh nặng lo toan chưa kịp vơi thì hai năm sau vợ chồng ông lại nghe con gái thứ hai Phạm Thị Thu Nguyệt báo tin: “Con đậu Đại học Bách khoa rồi ba ơi! Ba cố cho con đi học nhé”. Nghe vậy, cả hai vợ chồng ông không nuốt nổi chén cơm… “Đến khi đó tui mới thấm câu nói của con Kiều ngày trước: Tụi con mà học được thì ba mẹ cũng chết vì tụi con” – ông tâm sự. Nói vậy nhưng rồi vợ chồng ông cũng phải gồng mình… Nơi nào có than là vợ chồng ông lần đến bất luận nắng hay mưa. Không đào hầm ngang thì tìm cách đào hầm thẳng đứng, miễn có than múc bán là được.
Chờ bảy năm nữa
Có khi làm quá trưa không kịp lên đã nghe tiếng đất chuyển trong lòng núi. Những lần như vậy vợ chồng ông chỉ còn cách van vái cầu xin đất trời mong cho mình được bình yên để còn sức nuôi con ăn học.
“May mà ông trời còn có mắt – ông Đệ buông một câu trước khi đứng dậy khoe bằng khen của các con với giọng đầy hãnh diện – Nếu dán tất cả bằng khen lên tường chắc kín ngôi nhà này quá!”. Rồi ông chỉ tay vào tấm bằng mới nhất in dòng chữ “Có thành tích xuất sắc trong học tập niên học 2009-2010” của cô con gái thứ hai Phạm Thị Thu Nguyệt (hiện Nguyệt là sinh viên khoa quản lý dự án, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) bảo: “Nếu vợ chồng tui có tiền thì giờ nó (Nguyệt) đã được đi du học rồi”. Nguyệt là một trong số ít sinh viên xuất sắc lọt vào danh sách được đi du học tại Pháp nhưng vì nhà quá nghèo nên đành phải bỏ lỡ cơ hội.
Cậu em út Phạm Duy Hoàng cũng không hề thua kém các chị. Hiện là học sinh lớp 12, nhiều năm liền là học sinh giỏi cấp tỉnh, ước mơ của Hoàng là theo ngành bác sĩ.
Đều đặn mỗi ngày, cứ đúng 4g sáng hai vợ chồng ông lại thức dậy thổi cơm, rồi lặng lẽ quảy gánh lên núi đào than bán kiếm tiền cho các con ăn học. Bà Phúc tính nhẩm trên mười ngón tay thô ráp như thầm cầu nguyện: “Bảy năm! Tức là 84 tháng… Ngày đó chắc thằng út học xong ngành bác sĩ. Ngày đó vợ chồng tui sẽ chui lên khỏi mặt đất, xin được giã biệt kiếp hầm lò!”.
Leave a Reply